Trần Độ |
Khánh Trâm, con dâu út Trần Độ đưa Kiến Giang và tôi đến thăm Trần Độ. Phòng cấp cứu A1-2-3 bệnh viện Hữu nghị.
Bước vào phòng, tôi chột dạ liền. Ngỡ lầm buồng. Người nằm đó là Trần Độ ? Chăn vải trắng che đến ngang ức, chừa ra hai vùng vai ngực nổi ụ lên căng bóng, thoáng ánh đồng đen (như tượng Quan Thánh Trấn Quốc, tôi nghĩ), một miếng ni lông lồng phồng nhàu nát một màu xanh hoa lý vô lý– cái màu tự nhiên nom trai lơ -- che lấy cổ và lòng thòng từ dưới đó những ống nhựa trắng bò ra móc lên mũi lên miệng pho tượng như đang dẫn tải một cái gì vô vị. Đặc biệt khuôn mặt! Trẻ đi đến hai chục tuổi, tròn căng, nung núc bứ lên vẻ phè phỡn, phô phang. Thì ngay sau đó tôi sững sờ: Trần Độ phù đến thế kia ư? Hàm răng giả như quá trắng, hơi kênh ra một cái cười mỉm hợm hĩnh khoe “này, xem ta đây trắng không?” Biến dạng hết! Một cái đau lẫn sợ nhói lên ở tôi: phù thủy, pháp thuật đang hành Trần Độ!
Tôi cúi xuống, đặt tay lên vai trái anh đầy ụ, nói khẽ: - Trần Đĩnh ..., đến thăm ... Thế là lột sột, loạt soạt ở sau tôi. Tôi ngoái lại: miếng ni lông hoa lý nhấp nhô giẫy cựa. Mấy ống nhựa trắng nhất tề khẽ rung rồi nảy lên bần bật . Và lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến một con sóng triều màu bồ quân đỏ xậm, đỏ tối đang từ ngực Trần Độ rần rật dâng lên vai, lên cổ, lên mặt anh.
Con hồng thủy tía đỏ lan đi rầm rộ, nó kéo đôi môi anh mấp máy rồi kéo đến hai mí mắt húp híp cũng nhấp nháy, hai mí mắt chớp lia lịa rất nhanh như hấp tấp chèn nhau, lấn nhau rồi bất đầu rối loạn. Trong khi tôi bị hút chặt vào đôi môi, đôi mắt anh bỗng sống động lạ thường: chúng đang trở thành những tín hiệu morse cuống quít, lắp bắp, chấp chới cầu cứu trên một toàn thân phù xưng rắn như khối đồng xanh đúc cứng. Rồi ở bên trái tôi chói gắt lên một hồi bíp... bíp... bíp hốt hoảng.Trên màn hình, những đường hùynh quang gẫy khúc như một thứ thước gập đang vội nhoang nhoáng quăng mình theo nhau vào một vòm hang động tối và bây giờ khi đã lén bò vào đo trộm, yểm vụng một cái gì đó yểu mệnh nhất bên trong Trần Độ rồi thì chúng cuống cuồng bỏ trốn. Một nữ bác sĩ khẽ nói:- Bệnh nhân cần yên tĩnh, mời các bác ra.
Tôi liền rất buồn tự trách. 1984, Ung Văn Khiêm đã bị tai biến não khi nghe tôi nói ở nhà Phan Thế Vấn. Đến cửa phòng bệnh, tôi ngoái lại. Thấy tấm bìa treo xộc xệch ở cuối giường: Trần Độ, Viêm bàng quang.
Sơ sài như đang phỉ báng.
Ra hành lang tôi nghèn nghẹn bảo Kiến Giang và Trâm: - Hai ngày nữa thôi...Vừa rồi anh cuống quít mấp máy môi, chớp chớp mắt là muốn ra hiệu gì, muốn nói gì? Anh nằm đó biết chúng tôi đến và bt lực cho đến khi nghe tôi nói thì cố...
Và thật tình chỉ đến lúc thấy anh ra sức giằng giật, vùng giẫy khỏi nút ghì siết của bất động, của bại liệt, của câm nín, tôi mới nhận ra, mới chịu nhận pho tượng đồng xanh ph cứng rắn câng này đúng là Trần Độ, và đúng là anh đang vùng lên, đang dướn dậy để cho chúng tôi biết anh muốn sống, để chúng tôi giơ tay ra níu anh lại.
Trước đó sự biến dạng ghê rợn đã làm cho tôi cứ mơ hồ một cái gì không phải, một cái gì bố trí, man trá.
Nhân ngày giỗ tướng Trần Độ 2013
Trần Đĩnh
Lời chủ trang:
Nhà văn Trần Đĩnh không chỉ viết văn mà còn là dịch giả nổi tiếng. Thế hệ chúng tôi biết đến ông qua tác phẩm hồi ký Bất Khuất (còn có tên Từ những cuộc chiến đấu ác liệt, thắng lợi trở về) do ông chấp bút ghi lại những ngày tù ngục của nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận. Đôi lần gặp, trò chuyện với ông, tôi cảm nhận ngay điều đây là người cầm bút cương trực, thẳng thắn. Nhà văn như thế rất hiếm.
Nhà văn, dịch giả Trần Đĩnh (ảnh: Nguyễn Thông)
Nhà văn Trần Đĩnh (giữa) cùng hậu sinh (phải sang): Cao Tự Thanh, Mai Quỳnh Giao, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thông.
11.8.2013
Nguyễn Thông