Nhập cư bất hợp pháp tại cảng Calais
“… Nay em sống hay chết chỉ cách một phân ly trên mặt đất mà thôi. Anh thấy đó, em sống ở cầu cảng có khác mấy với loài khỉ biết mặc áo quần của người đâu!…”
Ngày 02–12–2009. Sáng sớm Paris trưa đến cảng Calais, vừa đúng lúc bao tử kéo còi báo động, ba anh em chúng tôi phải đến địa chỉ hẹn là nhà hàng của anh Dũng để dùng cơm trưa. Lâu ngày gặp lại tay bắt mặt mừng, với những lời chào rất thân thương của tình bạn và tình đồng hương. Ai đang viễn xứ quê người mới biết tình Việt lớn bằng quê hương, phải chăng tình tiền đi không trở lại, nhưng tình người vẫn mãi quanh đây.
Tất cả hành trang làm phóng sự tạm bỏ vào một góc phòng. Tiếp theo chúng tôi nghiêng mình chào chị Dũng, còn anh Dũng thì khỏi cần chào, chỉ cùng nhau cười là hiểu ý bạn nhậu rồi. Thế là cơm đem ra, rượu rót đầy bàn thịnh soạn.
Lần này đến cảng Calais chúng tôi lấy chắc thành công phóng sự người Việt nhập cư bất hợp pháp, bởi trước mặt nhà của anh chị Dũng là trung tâm cảng Calais, không cần phải đi tìm xa cho mất thời gian. Anh chị Dũng là người địa phương nữa, đương nhiên chúng tôi tin tưởng anh chị biết rất nhiều về người Việt nhập cư bất hợp pháp ở cảng Calais này.
Chúng tôi dành 20 phút trước khi dùng cơm để chuẩn bị theo lịch trình làm việc tại cảng Calais, là tìm hiểu người địa phương, cho nên chúng tôi muốn biết sự việc trong nhà ngoài ngõ qua chị Dũng. Ấy thế là hỏi chị Dũng trước nhất.
― Thưa, chị có biết người Việt mình đang lang thang ở cảng Calais này không ạ ?
Chị Dũng cho biết :
― Thưa, đã ở trong trung tâm cảng Calais này dù không muốn biết cũng phải biết, nhất là người Việt mình nhởn nhơ lang thang trong phố cảng, mỗi ngày ít nhất vài người Việt đi ngang qua nhà. Nhưng lúc này thì ít thấy vì chính phủ Pháp đã đóng cửa bãi Parc St Pierre rồi
Bảng chỉ hướng tại trung tâm cảng Calais (Ảnh: Huỳnh Tâm)
Chúng tôi liền hỏi :
― Nếu tôi đi trước nhà chị thì cũng là người Việt nhập cư lâu hay sao ?
Chị Dũng trả lời rất là tinh tế :
― Không phải thế, dân địa phương này nhìn người không thể lầm lẫn được. Người địa phương này ai cũng nhận diện được người nhập cư lậu, không riêng gì em, bởi cách ăn mặc, tướng đi phiêu linh lờ vờ, da mặt ngăm đen của sương gió. Nếu đến gần họ thì ta nhận được mùi hôi vì thiếu nước tắm rửa, quần áo lôi thôi... Đâu có như mấy anh đây...
Cả nhà đồng cười rất là vui qua lời nói vui của chị.
Người Iraq, Afghanistan và Czech nhập cư bất hợp pháp, họ chọn những kho hàng hoang vắng quanh cảng Calais để sống tạm bợ và đeo đuổi cơ hội vượt biên vào Anh Quốc. (Ảnh: Nguyễn Văn Đông)
Bỗng trước nhà có hai người đàn ông đi qua cửa kiếng. Chị liền đưa tay chỉ cho chúng tôi thấy :
― Kia kìa, quí anh tập nhận diện đi. Đó là hai người Afghanistan nhập cư lậu, dáng điệu của họ cũng không khác mấy người Việt mình !
Chúng tôi chăm chú nhìn ra cửa kiếng để thử tìm người Việt mình, nếu có sẽ mời họ vào ăn cơm cho vui, và luôn tiện phỏng vấn tại chỗ; nhưng trông chừng hoài chỉ thấy toàn là người Iraq, Afghanistan và Czech.
Tiếp theo chúng tôi hỏi về hoạt động của hội từ thiện do tư nhân tổ chức những bếp ăn ngoài trời ở cảng Calais.
Chị Dũng cho biết :
― Năm tháng trước, người nhập cư lậu cơm ăn ngày ba buổi. Sáng vào lúc 6 giờ điểm tâm thì có café, bánh mì. Trưa vào lúc 2h thì có khoai tây, bánh mì, xúc-xích dồi lòng heo, tại địa chỉ Quai de la Volga. Tối vào lúc 18h thì có khoai tây, bánh mì, thịt gà công nghiệp, tại Rue Margolle. Hai địa chỉ trên là bếp ăn ngoài trời dành riêng cho người nhập cư lậu, trong số đó có người Việt, Iraq, Afghanistan và Czech.
Chị Dũng nói tiếp :
― Nhưng vài tháng nay em thấy chỉ còn có một bếp ăn từ thiện vào lúc 18h tại Rue Margolle và số người khoảng hay hơn 100 là cùng, người Việt mình lưa thưa đến đây ăn tối, không nhiều như trước.
― Thưa, chị Dũng có biết lều trại của người Việt quanh cầu cảng, bến tàu và tại bãi biển không ?
Chị Dũng cho biết :
― Bên kia đường trong khu vực này và tại bến cá có vài lều nilông, mỗi sáng em đi mua cá, thấy có người Việt ở chung với người Iraq, Afghanistan và Czech, nhưng hai hôm nay không biết còn không vì gió lạnh quá em không đi mua cá. Thường thì nay họ dựng lều ở góc này, ngày mai họ dựng lều ở góc khác, họ không cố định một chỗ. Riêng ở bến tàu và bãi biển thì ngày nay chính quyền địa phương đã phong toả hết ráo rồi, không ai được vào khu vực đó như trước đây.
Chúng tôi tranh thủ vừa ăn cơm vừa nói chuyện với anh Dũng về cầu cảng.
― Theo chúng tôi biết, sau khi chính quyền Pháp chính thức phong toả khu vực Parc St Pierre Calais, thì riêng người Việt nhập cư lậu chuyển đến những cánh rừng và kho hàng cũ mà chúng tôi đã đến như rừng Teteghem, rừng Grande Synthe, rừng Angres, hầm tàu và những lều trại lưa thưa tại cầu cảng quanh Calais, anh Dũng có biết nhiều về họ không ?
Anh Dũng hơi ngập ngừng. Chúng tôi cảm nhận được sự ái ngại nào đó.
― Đúng vậy. Có một số lều trại của người Việt, Iraq, Afghanistan và Czech tại những cầu cảng quanh đây không xa.
Gia tài của anh chỉ có lều nilông, bộ quần áo đang mặc và bếp lửa sưởi ấm dưới gầm cầu cảng Calais. (Ảnh: Huỳnh Tâm)
Chúng tôi xem đây là địa chỉ cần phải đến trước liền hỏi :
― Anh Dũng à, vào khoảng 16 giờ, nhờ anh hướng dẫn chúng tôi đến cầu cảng để làm phóng sự được không ?
Anh Dũng đồng ý. Khi chúng tôi hỏi thăm về chuyện anh bị liên luỵ oan ức với người Việt nhập cư lâu, anh Dũng thở dài nói :
― Trường hợp của Dũng oan ức lắm. Một hôm có hai người Việt nhập cư lậu đi lang thang trong phố, thân thể tiều tuỵ, gặp Dũng họ nói tiếng Việt và nhờ chở đến cầu cảng gần nhất. Dũng thấy hoàn cảnh này không thể để họ đi bơ vơ ngoài đường được. Cũng may, hôm đó bà vợ cho 200 Euro, Dũng mở lòng đãi hai người ấy ăn cơm và tặng hết tiền, rồi Dũng chở hai người họ đến cầu cảng. Chẳng may, cảnh sát Pháp ập đến bắt Dũng đưa về trạm, bị nhốt 24 giờ để lấy lời khai. Tháng sau Dũng bị trát gọi ra hầu tòa. Dũng phải chạy luật sư. Cuối cùng bị phạt vạ và làm tờ cam kết không liên luỵ với người Việt nhập cư lậu. Từ ngày đó mỗi tuần vào sáng thứ hai phải đến trạm cảnh sát trình diện báo danh, đã năm tháng trôi qua còn một tháng nữa là mãn hạn trình diện.
Trong năm tháng vừa qua rất là khổ sở, làm ăn mua bán đã khó mà gặp họa luỵ thân. Cảnh sát Pháp nghi vấn Dũng là bàn tay nối dài của mafia người Việt lao động bất hợp pháp. Họ nào biết tình cảm của người Việt mình khi ra đường thấy cảnh khó thì tương trợ lẫn nhau! Thử hỏi người Việt ở xứ này gặp nhau trong hoàn cảnh đáng thương mà ai làm ngơ sao được! Dũng biết lương tâm và tình người Việt vô bờ bến, nhưng vô tình rờ vào vấn đề này là tự mình làm thành viên không công của tổ chức mafia lao động Việt Nam.
Nộp cho mafia lao động Việt Nam 16000 euro để lấy đời sống này ư? (Ảnh: Huỳnh Tâm)
Và bạn Hậu ở tỉnh Lille cũng cho biết: Chúng ta ở xứ người không thể đem cảm tình của người mình mà suy nghĩ theo người phương Tây là một, bởi sự nhầm lẫn lớn này đem đến kết quả có người Việt bị cảnh sát hỏi thăm và đã có nhiều người bị nghi là chủ lều trại mafia Việt Nam. Cũng như đài truyền hình Canal Plus của Pháp đã loan tải hình ảnh những người Việt bị cho là chủ lán trại tại Angres. Nay những ai vô tình sẽ không may bị ở tù vô duyên. Âu cũng là cách thương người không đúng chỗ. Chúng ta đến với người Việt rừng có một ngăn trở lớn, do chúng ta không biết chính sách nhập cư của Châu Âu, nay đã khai triển một số biện pháp mạnh nhằm ngăn chận làn sóng người tị nạn kinh tế đến từ các nước chưa phát triển.
Sau buổi cơm chúng tôi đi ra bến cảng thì gặp hai người Iraq nhập cư bất hợp pháp đang lởn vởn đi qua bến cá. Chúng tôi liền quay phim họ, rồi tiến bước vào căn cứ cảng hải quân Pháp, có ghi chữ cấm vượt qua. Chúng tôi vờ như không biết, cứ làm việc đã, nếu bị bắt bớ hay đuổi ra thì sẽ tính sau. Một giờ làm việc an toàn trong cảng hải quân Pháp. Tiếp tục quay những xe vận tải trong cảng và những góc cạnh phong cảnh Calais. Khi quay phim và chụp ảnh, chúng tôi không đưa ống kính vào biển số xe, chỉ quay ở dưới lườn xe. Lúc này mới biết hầu hết xe vận tải không chở hàng hóa khi đậu trong cảng Calais là mở toẹt cửa sau không đóng, như vậy người nhập cư bất hợp pháp không trốn trên xe được.
Chúng tôi đi lấy xe ô tô tiếp tục tìm đến những khu nhà kho, thấy khoảng bảy tám thanh niên người Czech. Biết họ là ai rồi, liền quay phim và chụp ảnh. Tiện đường lái xe, đi thẳng vào khu vực cảng có rất nhiều bảng cấm. Quả nhiên, xe chạy trong chốn không người. Một giờ sau chúng tôi vào khu vực kiểm soát xe vận tải trước khi xuống tàu qua Anh Quốc. Anh em chúng tôi đều cầm trên tay máy quay phim để chuẩn bị tư thế làm việc. Không ngờ cảnh sát đến bảo chúng tôi phải lái xe vào lề phải, một nữ đồng nghiệp mở cửa xe trên tay vẫn cầm máy quay phim, bước xuống xe hiên ngang đấu luật, cuối cùng cả ba chúng tôi cùng máy quay phim đi theo cảnh sát vào bót.
Công việc làm của cảnh sát là xem lại những thước phim đã quay cũng như quay những gì mà họ muốn biết trong khu vực của họ đang kiểm soát. Bây giờ mới biết khu vực cấm này có vào mà không ra được. Khi cảnh sát biết bọn chúng tôi chỉ là ký giả đi lạc đường, họ đã xem qua ba cuộn phim cùng một nội dung mà ba góc cạnh khác nhau. Họ thừa biết chúng tôi đang làm phóng sự người nhập cư bất hợp pháp, cho nên trả máy và phim rồi tiễn chân chúng tôi ra về. Anh em chúng tôi xem như ngồi bót cảnh sát tại cảng Calais hết 2 giờ 30 phút. Đã trễ giờ đi thăm bếp từ thiện tại Rue Margolle. Cũng là lúc trời mưa như thác đổ, về lại nhà Dũng chúng tôi cho biết tình hình như trên, bạn Dũng không còn hứng thú để đưa chúng tôi viếng thăm cầu cảng có người Việt tạm trú, chúng tôi đành về lại Paris! Một chuyến đi không thành công như ý, cũng may không về tay không.
Một người dân địa phương cho biết: “Không thể chấp nhận được tình trạng nhập cư lậu, như họ đang sống dưới gầm cầu cảng Calais. ( Ảnh: Huỳnh Tâm )
Ba ngày sau trở lại Calais đi với bạn Đức người địa phương đã từng bị ngồi mát gỡ lịch oan vài tháng trong tù về tội thương người Việt rừng. Chúng tôi đi thẳng đến cầu cảng, gặp một thanh niên Việt gương mặt rất tiều tuỵ, gợi chuyện một hồi anh mới cho biết :
― Em đi đường cỏ, hiện ở dưới cầu cảng này. Gia đình em bên nhà đã hết tiền cho nên không được vào rừng như người khác. Em đến đây hơn tháng mà đi chưa được. Tính đến nay em đã ra vô tù rất nhiều lần nhưng ở tù lâu nhất là 3 tháng tại Bruxelles nước Bỉ, về tội nhập cư bất hợp pháp. Chúng em gồm có ba nam hai nữ đi cùng một chuyến xe thùng bị cảnh sát nước Bỉ phát hiện. Thế mới là bị xui xẻo. Khi ra tù em và cô bạn đồng hành đến đây, sau đó một tuần lễ cô ấy có người nhà nộp tiền cho tổ chức, thế là có người đưa vào rừng. Em nghe nói rừng nhưng không biết ở đâu.
Chúng tôi hỏi :
― Có phải cô ấy trạc 25 tuổi, dạng người ốm, thân hình không cao, khuôn mặt xinh, người huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá ?
Anh này liền nói :
― Đúng rồi. Thế thì bác đã gặp cô ấy ở đâu ?
Chúng tôi đem đến cho anh này một tin vui :
― Cô ấy cũng có cho chúng tôi biết về sự kiện ở tù tại Bruxelles nước Bỉ. Hiện nay cô ấy ở tại rừng Téteghem cách đây hơn 60 km .
Anh này nở một nụ cười vui hớn hở. Chúng tôi hỏi về tình cảnh của anh tại Calais. Anh cho biết :
― Mỗi buổi chiều đến bếp ăn từ thiện tại Rue Margolle, để ăn cơm vào lúc 18 giờ, em phải đi bộ khoảng 3 km . Sau đó đi ngược lại 7 km là đến bãi xe vận tải, tìm cơ hội tốt là đu ở dưới lườn xe.
Chúng tôi liền đề nghị :
― Đêm nay tôi đi nhảy xe với em được không ?
Anh gật đầu đồng y, rồi anh nói tiếp :
― Ở cầu cảng này có vài người Việt đồng cảnh như em, họ ở rải rác không tập trung vì họ không thuộc tổ chức nào, họ và em đã tách rời ra khỏi quản lý đường cỏ, nhưng vẫn còn giữ liên lạc với tổ chức sau khi đến Anh Quốc.
Chúng tôi ở lại đêm để tiếp cận và chính mắt nhìn thấy người thanh niên Việt 30 tuổi, phiêu lưu tại xứ người. Tôi hỏi anh có sợ nguy hiểm không, anh cho biết :
― Em không còn gì để sợ cả. Gia tài của cha mẹ em đã mất trắng tay, ở quê nhà cha mẹ em đang sống dưới mái chòi tranh sau nhà của người quen biết. Nay em sống hay chết chỉ cách một phân ly trên mặt đất mà thôi. Anh thấy đó, em sống ở cầu cảng có khác mấy với loài khỉ biết mặc áo quần của người đâu !
Chúng tôi cảm động quá mời anh đến xa lộ A26 để ăn tối và tặng anh ta 50 euro. Sau đó chúng tôi và anh ta đến bãi xe, ngủ đêm tại bãi cuối xa lộ A26.
Đúng 3 giờ, thấy anh ta bò qua lượn lại một vài lần rồi biến mất. Chúng tôi không thể nào biết được anh ấy đang đu dưới lườn xe vận tải nào. Nửa giờ sau anh ấy mới liên lạc với chúng tôi và cho biết, anh đang đu dưới lườn xe bảng số… có chữ cuối là GB, chúng tôi chúc anh ta thành công.
Đúng 5 giờ sáng xe vận tải lăn bánh đi về hướng cảng Calais. Chúng tôi cũng lái xe chạy theo và máy quay phim cứ quay liên tục. Xe vận tải vào đến cảng lúc 6 giờ 30 sáng. Chúng tôi về nhà anh Đức uống một ly café. Ngồi nghĩ lan man, không biết anh bạn trẻ kia có cầm được số đỏ trót lọt qua cảng Dover không, hay là đã về lại cầu cảng Calais.
Xe vận tải đang chạy trên xa lộ A26, hiện có người Việt đu dưới lườn xe. ( Ảnh: Huỳnh Tâm )
Người dân Pháp ở Calais đối với người nhập cư lậu rất có tình người. Điển hình là hội từ thiện tư nhân thành lập hai trạm bếp ăn tập thể để cứu người khốn khó từ năm 2000 cho đến nay, mỗi ngày bếp ăn từ thiện phục vụ ba buổi. Hôm nay chỉ còn một trạm, một bếp ăn và chỉ phục vụ một buổi. Có phải đó là hiện tượng tình thương đối với người nhập cư bất hợp pháp đã đến lúc cạn rồi chăng? Còn vài ngày nữa là vào năm 2010. Có thể không còn bếp ăn từ thiện như trên, bởi một thành viên trong hội từ thiện cho biết đã đến lúc phải ý thức tình người đặt sai chỗ, không thể chấp nhận được; nếu còn tiếp tục bếp ăn từ thiện cứu khó này thì không khác nào tiếp tay cho những tổ chức đưa người lao động kinh tế bất hợp pháp, và vô tình tạo ra sự bành trướng của tổ chức mafia như Việt Nam là một ví dụ.
Con tàu rời bến cảng Calais để vào cảng Dover của Anh Quốc (Ảnh: Huỳnh Tâm )
Lương tâm bỏ chạy
Đại sứ quán nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại Pháp đặt tại địa chỉ 62 rue Boileau 75016 Paris, dưới sự lãnh đạo của ông đại sứ đương nhiệm Lê Kinh Tài. Thử hỏi: ông có biết người Việt nhập cư bất hợp pháp trên xứ Phàp này không? Và ông có tiếp nhận những phiền muộn của người dân Pháp chưa? Hay là ông tỉnh bơ, bởi lương tâm bỏ chạy? Ông đại sứ có thăm viếng và chia sẻ những gì với đồng bào mình đang lê thê thân xác khắc khoải, lang thang khắp phố cảng Calais và trong rừng khí hậu lạnh giá của mùa đông? Lẽ nào ông đắp tai ngoảnh mặt để mặc tình cho người dân khốn cùng trên xứ người, hay làm ngơ để mặc tình cho những kẻ tạo ra hoàn cảnh người Việt rừng Téteghem, Grande Synthe, Angres và bến cảng Calais ?
Theo sự hiểu biết rất trung thực của chúng tôi, đại sứ quán Việt Nam đã từ chối không tiếp xúc hồ sơ Nguyễn Văn Mạc tử nạn tại xa lộ A16 Dunkerque. Đây là một hành vi bất nhân, để hậu quả lớn trong lòng người dân Pháp: Họ không còn kính trọng Việt Nam qua con người và qua kẻ đại diện là sứ quán VN. Cũng như anh Tony trong rừng Angres cho biết, anh có đến đại sứ quán Việt Nam nhưng hoài công vì quan ngoại giao khinh miệt và xem thường người dân Việt lao động bất hợp pháp. Thử hỏi mai sau, bỗng nhiên có người lao động bất hợp pháp kia may mắn, ăn nên làm ra, có của khuân về nhà, thì sao đây ? Nhà nước Cộng Sản Việt Nam chắc sẽ không nỡ nào làm ngơ, chắc sẽ trải thảm đỏ mời họ về dự hội nghị Việt Kiều, không chừng còn mời làm tư vấn kinh tế nữa chứ ?
Huỳnh Tâm
Điện thoại di động: 0033.06.15.56.61.34
Paris 23–12–2009
Phim Phóng Sự : Những Bước Chân Đổi Đời Gian Nan
Chúng tôi sẽ công bố vào những tháng tới.
Thực hiện bởi Huỳnh Tâm .
Cùng những ký giả cộng tác: Bequet, Viên Dung, Võ Trung Dũng, Nguyễn Văn Đông, Mỹ Dung.v.v…
Clips Video về Người Việt Nam Lao Động Bất Hợp Pháp Tại Âu Châu :